Người Nghèo Khổ

Người Nghèo Khổ

Mới đây, một chàng trai trẻ đầy trăn trở chia sẻ lên Zhihu về việc có nên đi học đại học không. Cậu viết: "Nhà nghèo, không thể kiếm ra được 1 vạn tệ (~33 triệu), em gái thì sắp sửa lên cấp 2, vậy tôi có nên học đại học không? Tôi rất hoang mang, một mình nằm trên giường suy nghĩ cả đêm, rất khó xử! Mọi người hãy cho tôi lời khuyên với, cảm ơn mọi người!"

Nhất định phải học mới đổi kiếp nghèo: Những câu chuyện truyền cảm hứng từ người thật, việc thật!

1. Từng bị chỉ trích "con nhà lính, tính nhà quan" vì nghèo mà đi học đại học.

Với kinh nghiệm của 1 đứa nhà nghèo thì tôi nói thật, bạn nhất định phải học. Là con gái thì càng phải học!

Nhà tôi nghèo, hồi tôi học xong lớp 12 bố mẹ hỏi tôi muốn học đại học không. Tôi bảo muốn. Rồi tất cả cô dì, chú bác, hàng xóm... tất tần tật đều nói tôi "con nhà lính, tính nhà quan", rằng tôi ích kỷ, không quan tâm cha mẹ. May mắn là bố mẹ tôi ủng hộ.

Hồi đấy nhà xa trường, tôi phải ở trọ. Tôi vẫn nhớ tôi vào trường được 5 ngày thì bắt đầu lao vào tìm việc làm thêm. Bưng bê, quét dọn, rửa bát, gia sư,... chẳng việc gì tôi từ chối. Tôi tự kiếm đủ tiền nuôi bản thân, ăn, uống, trọ, quần áo, đi chơi.

Đôi khi dồn lại đóng được cả học phí. Năm thứ 2 đại học tôi đủ tiền mua 1 cái iPhone 6 cũ (hồi đấy hơn 5 triệu). Năm 3 sau tôi đủ tiền mua laptop. Năm thứ tư thì tôi quyết định đi thực tập nước ngoài. Tôi nhờ bố mẹ vay hộ 1 khoản tiền để chuẩn bị.

Tôi sang đó đi làm, lương không thể gọi là cao nhưng so với tầm chung thì tạm ổn (2x-3x triệu/ tháng). À bây giờ thì tôi đang kẹt bên này mà không về nhà được.

Tôi tự ăn bánh, tự thổi nến, tôi chỉ mong có thể mãi mạnh mẽ như từ trước đến giờ. (Ảnh minh họa)

Hôm nay sinh nhật, tôi tự ăn bánh, tự thổi nến, tôi chỉ mong có thể mãi mạnh mẽ như từ trước đến giờ. Đọc đến đây thì cho tôi xin 1 lời chúc lấy động lực nhá.

Và nhớ là phải học, nhất định phải học thì mới đổi được kiếp nghèo!

2. Không đi học sẽ trở thành điều khiến cả đời bạn hối hận nhất.

Là một người có gia cảnh nghèo khó nhưng đã học xong đại học, tôi chân thành cho bạn một lời khuyên: Nhất định phải học!

Kể bạn nghe hai câu chuyện có thật. Một là tôi, một là bạn thân của tôi. Gia đình hai chúng tôi đều rất nghèo, nghèo đến mức nào á? Bắt đầu từ hồi tôi học tiểu học thì đã luôn không nộp học phí đúng hạn rồi, mỗi một học kì mới đều là ba tôi đi tìm giáo viên chủ nhiệm xin “chịu”.

Cả nhà một tuần chỉ có khoảng 17k để ăn uống. Trong ký ức của tôi, lúc nhỏ chưa bao giờ có chuyện mua quần áo mới, đều là mặc lại đồ cũ của chị gái. Thế mà bạn thân của tôi nhà còn nghèo hơn cả tôi.

Kể chuyện của tôi trước. Tôi thi đậu đại học, nhưng trong nhà kiếm không nổi học phí. May mắn bạn trai đã giúp tôi tìm hiểu về khoản vay sinh viên. (Thời đó thông tin rất ít ỏi, tôi chưa từng được chạm vào điện thoại, máy tính).

Sau đó là bốn năm đại học, học phí của tôi đều là vay. Lúc đó tôi cũng rất áp lực, luôn cảm thấy nợ nần nhiều như vậy, sau này sao trả nổi? Bây giờ nghĩ lại thấy mình ngây thơ ghê, hiện tại lương một tháng của tôi cũng xấp xỉ học phí 4 năm đại học rồi, nào có thấy áp lực gì đâu?

À, còn chuyện sinh hoạt phí mới là vấn đề. Tôi chỉ được cho một khoản lúc nhập học, sau đó tự làm thêm và trang trải. Dù không đơn giản, nhưng tôi làm gia sư cũng tạm đủ sống.

Nhất định phải học thì mới đổi được kiếp nghèo (Ảnh minh họa).

Tới năm ba, năm tư, tôi ít làm gia sư hơn mà làm những công việc khác để có thêm kĩ năng xã hội. Trong lúc làm việc tôi được đánh giá khá cao về kỹ năng tổ chức, nên đã được một vài đối tác trọng dụng.

Bốn năm đại học, trong nhà không gửi tiền cho tôi, nhưng tôi cũng không oán trách ba mẹ, vì tôi ý thức được hoàn cảnh gia đình, và đã hạ quyết tâm tự dựa vào sức mình.

Kể bạn nghe chuyện của bạn thân tôi. Cô ấy lực học có thể đậu trường tầm trung, nhưng cô ấy đã bỏ cuộc ngay từ lúc điền nguyện vọng rồi. Cô ấy ghi Thanh Hoa Bắc Đại (bạn tôi hiểu bản thân thi không nổi nên điền đại đó). Vì cô ấy biết dù có thi đậu thì cũng không có tiền để học.

Sau khi quyết định từ bỏ đại học, bạn tôi ra ngoài làm công, vào nhà xưởng, bưng bê, làm giáo viên dạy thay ở trường mẫu giáo... Từ đầu đến cuối đều không tìm được công việc mà bản thân thích. Sau đó nữa thì lấy chồng rồi. Cô ấy bây giờ, sống một cuộc sống bình bình, nhưng đoán chừng trong lòng cô ấy cả đời này cũng không buông bỏ được chuyện bản thân không lên đại học được.

Cô ấy bây giờ sống một cuộc sống bình bình bên gia đình, nhưng cả đời không buông bỏ được chuyện bản thân từ bỏ đại học.

Tôi đã nói với cô ấy rằng từng khó khăn đều có cách giải quyết. Tuy là bây giờ với cô ấy thì điều này chẳng còn nghĩa lý gì. Nhưng tôi vẫn nói, bởi mong cô ấy về sau gặp phải khó khăn cũng đừng dễ dàng từ bỏ.

Mong những điều kể trên sẽ có ích với bạn. Không đi học sẽ trở thành điều khiến cả đời bạn hối hận nhất và không thể nào bù đắp được.

3. Học hành là nấc thang chạm tới ước mơ và thật sự xứng đáng để tất cả mọi người đầu tư làm thật tốt.

Chị sinh ra trong gia đình nghèo, vách nhà là ván, mưa dột trên đầu, dưới thì ngập hết cả bàn chân. Nhà bị giải tỏa, phải bán hết đồ đạc chuyển đến căn trọ chưa đầy 30m2.

Bốn năm đại học của chị thật sự rất vất vả. Học ở trường, đi làm thêm ròng rã. Bạn bè rủ cuối tuần đi chơi, chị từ chối. Họ bảo chị thật sự thích học thế cơ à? Không, khoảng thời gian đó chị rất cô đơn! Học không vui, đi làm thêm cũng chỉ một mình.

Nhưng động lực duy nhất là không để bố mẹ cứ mãi buôn gánh bán bưng trên phố. Động lực thứ hai là làm gương cho em út trong nhà.

Rồi mọi thứ cũng được đền đáp, chị ra trường, nhận được 1 vị trí rất tốt, lương khởi điểm là niềm ao ước của nhiều người. Chị nỗ lực làm việc, chân trong chân ngoài, mỗi đêm vẫn tự học. Lúc đầu mệt mỏi thì sau này sẽ thoải mái, lúc đầu thoải mái thì sau này sẽ mệt mỏi hơn nhiều. Cuộc đời thực ra rất công bằng!

Hiện giờ thu nhập của chị đã hơn bạn bè cùng tuổi vài lần. Bố mẹ không phải rong ruổi trên phố nữa. Đầu 2020 gia đình chị chuyển vào nhà mới, nợ ngân hàng chứ không mua đứt được đâu.

Tuy nhiên, chị biết những năm tháng túng thiếu chật vật trước kia đã qua đi rồi, cuộc đời sau này sẽ suôn sẻ hơn. Học hành là nấc thang chạm tới ước mơ và thật sự xứng đáng để tất cả mọi người đầu tư làm thật tốt!

Tưởng giản đơn, nhưng đây lại là câu hỏi khó: “Người nghèo bao giờ hết nghèo?”. Ở Bạc Liêu, nếu lấy mốc thời gian năm 2015, khi đó cả tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo là 15,5%, hộ cận nghèo là 7,03%. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy “Về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, đến cuối năm 2018 giảm còn 4,3% - bình quân hằng năm giảm 3,75%. Theo tỷ lệ này thì vài năm nữa thôi, người nghèo Bạc Liêu hết… nghèo (tức không còn người nghèo)!?

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác - góc độ xã hội, cần hiểu rằng: Một tỉnh nghèo, ắt hẳn có nhiều người nghèo. Nhưng một tỉnh giàu, chắc gì chỉ có người giàu? Một quốc gia giàu nhất thế giới cũng đâu đã hết người nghèo?

Đặt vấn đề như vậy để chúng ta không chủ quan, càng phải nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt hơn trong công tác giảm nghèo. Đồng thời cũng để “nhắc nhớ” hộ nghèo (và cả những hộ không thuộc dạng nghèo) ý thức sâu sắc hơn, tự chủ hơn trong đời sống, sinh kế… Mỗi chúng ta cần nhận thức tiêu chí nghèo, cận nghèo là con số “ước định” trong hoàn cảnh cụ thể, thời gian cụ thể để phân loại và có hành động giúp đỡ, chia sẻ… Mục tiêu cao hơn phải là “chất lượng cuộc sống”, ở đó là sự đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của mỗi con người.

Mặc dù hiện tại, cả tỉnh chỉ còn 4,3% hộ nghèo (chưa kể hộ cận nghèo) nhưng nên nhớ, hộ cận nghèo trở lại… nghèo là một ranh giới rất mong manh (nếu chủ quan, không quyết liệt, không chí thú làm ăn). Mặt khác, cái mức thu nhập dưới 700 ngàn và dưới 900 ngàn đồng/người/tháng cho khu vực nông thôn và thành thị, tương ứng như vậy là thu nhập 1 triệu đồng và 1 triệu 300 ngàn đồng với chuẩn cận nghèo là con số quá “khiêm tốn”. Chỉ cần một sự cố, một rủi ro gì đó… xem như cả tháng… nghèo, cả năm nghèo thậm chí cả đời nghèo (mà người nghèo rất dễ bị rủi ro, nhưng tư tưởng lại “chủ quan”: “có ai khó ba đời!”…).

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, dù số lượng hộ nghèo hiện tại không nhiều, nhưng có nhiều cái khó đặt ra. Về mặt thời gian, đây là giai đoạn nước rút. Về mặt công việc thì phần lớn là những vấn đề tồn đọng, “cù cặn”. Đối tượng nghèo thì đa dạng, đa thành phần, mà thành phần nào cũng thuộc dạng “nghèo khó” theo đúng nghĩa. Vì vậy mà nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, nếu không có sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị của toàn xã hội… thì rất khó hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Trở lại với đối tượng nghèo trong thời gian nước rút này, có thể tạm chia thành 3 dạng sau đây để thấy vì sao lại khó.

Thứ nhất là dạng ba không: không đất sản xuất, không có phương tiện làm ăn, không nghề nghiệp, cuộc sống bấp bênh, “ba chìm, bảy nổi”… Xin được gọi đây là dạng “nghèo bẩm sinh” - tức sinh ra đã nghèo. Dạng này, phần lớn họ là những người “ly nông và … ly hương”, dùng sức lực của mình đi làm thuê làm mướn bất kể chuyện gì miễn có cái ăn qua ngày đoạn tháng… Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… nơi xứ lạ quê người đã thành “quê hương” của họ tự lâu rồi!

Thứ hai là dạng người thiếu ý chí vươn lên, lười lao động, không biết ngày mai, có ngày nào “xả láng” ngày đó, mặc kệ số phận, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của ai đó… đến nỗi có người không còn sĩ diện với chính bản thân mình. Đã có trường hợp sau khi được Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể… giúp đỡ thoát nghèo nhưng vẫn “quyết liệt đấu tranh” để được… nghèo để hưởng thụ các chính sách như đã nói mà khỏi lao động. Họ hãnh diện “khoe” sống được nhờ… nghèo!... Phải chăng đây thuộc dạng “nghèo có ý thức”?

Dạng nghèo này làm tôi nhớ câu chuyện tiếu lâm: có một thanh niên “lưng dài, vai rộng” ngày nào cũng “khổ nhục kế” đi ăn xin nhưng ngày nào cũng… say. Hỏi vì sao, anh ta “hồn nhiên” trả lời: say để đủ can đảm đi… xin!

Dạng nghèo thứ ba là dạng “nghèo… bền vững”. Đây là dạng nghèo thật sự xót xa. Họ là những người già neo đơn, không sức lao động, là phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, là những người mắc các bệnh hiểm nghèo, nhiễm chất độc da cam, thiểu năng trí tuệ… rất cần sự giúp đỡ của toàn xã hội, của lòng hảo tâm, bằng tình thương yêu con người… mới mong níu kéo họ sống qua ngày - nói chi đến… hết nghèo, hết khổ!

Đến đây, có lẽ câu hỏi “người nghèo bao giờ hết nghèo” phần nào đã có lời đáp. Tuy nhiên, cho dù họ là ai, dù “nghèo bẩm sinh, nghèo có ý thức hay nghèo bền vững” thì họ vẫn là người nghèo đáng thương (tất nhiên có một bộ phận đáng trách). Và cái nghèo là vấn đề xã hội như đã nói ở phần trên.

Xác định được thành phần, đối tượng, xác định được nguyên nhân là để tìm ra phương kế giúp đỡ, sẻ chia cùng họ vượt qua khó khăn, đẩy cái nghèo vào dĩ vãng. Bởi trong sâu thẳm của mỗi con người, chắc không ai muốn cái nghèo đeo bám theo cuộc đời mình.